Nên cho bé bú trực tiếp hay hút sữa?

1. Vì sao nhiều mẹ chọn vắt sữa cho bé bú bình?

Hút sữa cho bé bú bình là một trong những phương pháp nuôi con phổ biến hiện nay, bởi nhiều lý do như: 

  • Mẹ muốn vắt sữa non ở những tháng cuối của thai kỳ để cho bé bú ngay trong những giờ đầu sau sinh. 
  • Mẹ có nhiều sữa, bé bú không hết nên mẹ vắt sữa trữ lạnh cho bú dần. 
  • Mẹ chưa làm quen được cảm giác cho con bú trực tiếp hoặc sợ cảm giác đau rát núm vú khi cho con bú. 
  • Được các mẹ bầu chia sẻ, truyền tai nên hút sữa cho con bú bình. 
  • Bé không chịu bú mẹ trực tiếp. 
So sánh nên hút sữa hay cho bé bú trực tiếp

Hút sữa, trữ lạnh và cho bé bú bình là phương pháp nuôi con phổ biến hiện nay 

2. So sánh nên hút sữa hay cho bé bú trực tiếp thì tốt nhất?

Phương pháp nuôi con bằng bú mẹ trực tiếp hay hút sữa cho bé bú bình đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, cụ thể như sau: 

2.1. Bé bú mẹ trực tiếp 

Ưu điểm: 

  • Bú sữa mẹ trực tiếp cung cấp cho bé nhiều kháng thể hơn. Khi cho bé bú, cơ thể mẹ sẽ tạo ra các kháng thể nhờ nhận biết các vật thể lạ (vi khuẩn, vi rút) từ nước bọt và các chất tiết khác của bé và cung cấp những kháng thể này cho bé. Trong khi đó, sữa mẹ trữ lạnh đã giảm đi một số kháng thể và một số tế bào sống có lợi cũng mất đi. 
  • Khi bú mẹ, các cơ vùng mặt của bé hoạt động, giúp cấu trúc hàm mặt của bé phát triển cân xứng. Không chỉ vậy, theo nhiều nghiên cứu, bú sữa mẹ trực tiếp giảm khả năng cần phải niềng răng, chỉnh hình so với bú bằng bình cũng như trẻ phát âm rõ hơn. 
  • Việc cho con bú trực tiếp giúp mẹ có tâm lý thoải mái, hạnh phúc và tự hào hơn với thiên chức làm mẹ. Từ đó, tăng phóng thích oxytocine giúp giảm căng thẳng và phòng ngừa tình trạng trầm cảm sau sinh. Ngoài ra, bé được tiếp xúc trực tiếp với mẹ (da kề da) nên được giữ ấm tốt hơn và có sự kết nối mẹ – con sau sinh tốt hơn. 
  • Cho bé bú sữa mẹ trực tiếp dù mẹ không biết được lượng sữa bé bú là bao nhiêu nhưng có thể biết được bé đã bú đủ qua các dấu hiệu như trẻ ngủ ngon, phát triển tốt. Trong khi bú bình, mẹ sẽ không kiểm soát được lượng sữa theo nhu cầu mà chỉ ước lượng theo các thông số chung, có thể vượt quá nhu cầu của bé, dẫn đến trào ngược hoặc tăng cân quá mức. 
  • Bú mẹ trực tiếp ít tốn kém vì không cần phải mua máy hút sữa, tủ trữ sữa chuyên dụng, bình sữa. Bên cạnh đó, mẹ không cần phải hút sữa theo giờ giấc, lịch trình cũng như mất thời gian lấy sữa, rã đông khi bé đòi bú sữa. 
So sánh nên hút sữa hay cho bé bú trực tiếp

Cho bé bú mẹ trực tiếp sẽ giúp bé có hệ miễn dịch tốt hơn 

Nhược điểm: 

  • Việc cho bé bú mẹ trực tiếp mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng gây ra nhiều khó khăn cho mẹ khi cai sữa cho bé. Mẹ sẽ mất nhiều thời gian để cai ti và tập bé bú bình. 
  • Khi bú mẹ, nhiều bé hay ngủ quên ngay cả khi chưa bú no nên khiến bé nhanh đói, thường xuyên giật mình thức dậy. 
  • Nếu sữa trong bầu ngực mẹ nhiều và mẹ không kiểm soát được lượng sữa chảy ra dễ khiến bé bị sặc khi bú. Không chỉ vậy, nếu lượng sữa quá nhiều sẽ gây ra tình trạng căng sữa rất khó chịu. 
Xem ngay:  Mẹ sau sinh có nên ăn bắp cải hay không?

2.2. Hút sữa mẹ cho bé bú 

Ưu điểm: 

  • Hút sữa, trữ lạnh và cho bé bú bình mang lại sự tiện lợi trong một số tình huống mẹ không thể cho con bú trực tiếp như mẹ phải đi làm sớm, mẹ bị tụt núm vú, núm vú quá to nên bé không bú được, mẹ mắc bệnh cần cách ly, mẹ sinh đôi hoặc sinh ba nên không có nhiều sữa, không thể cho con bú trực tiếp cùng một lúc…
  • Khi cai sữa mẹ không cần mất nhiều thời gian cai ti hoặc tập bé bú bình mà chỉ cần đổi sữa cho bé uống. 
  • Lượng sữa trong bình xuống đều hơn ti mẹ nên bé ít bị sặc khi bú sữa và bé có thể tập trung bú nhiều hơn. 
  • Hút sữa mẹ đều sẽ giúp mẹ tiết ra nhiều sữa hơn so với bé bú trực tiếp, vì khi hút sạch sữa, cơ thể mẹ sẽ tự hiểu là bé cần lượng sữa nhiều hơn. Vì vậy, nhiều bà mẹ có ít sữa thường hút sữa, trữ lạnh để có đủ nguồn sữa cho bé lúc đói cũng như kích sữa tiết ra nhiều hơn. 
  • Khi cho bé bú bình, trẻ sẽ không bám mẹ hoặc phụ thuộc quá nhiều vào mẹ. 
So sánh nên hút sữa hay cho bé bú trực tiếp

Vắt sữa mẹ cho bé bú bình mang lại sự tiện lợi khi mẹ không thể cho con bú trực tiếp được 

Nhược điểm: 

  • Sữa mẹ sau khi hút xong cần phải được bảo quản đúng cách vì các dưỡng chất “vàng” có trong sữa mẹ dễ bị mất đi nếu chịu ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài. Điều này dẫn đến bé vẫn bú no nhưng phát triển kém, thậm chí bé bị suy dinh dưỡng hoặc gặp các vấn đề về hệ tiêu hóa như tiêu chảy, đầy hơi…
  • Khâu làm sạch và tiệt trùng chai, bình sữa mất nhiều thời gian. Nếu không đảm bảo chúng sạch sẽ 100% có thể khiến bị dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn. 
  • Mẹ phải hút sữa đều đặn cả ngày và đêm, theo lịch trình cụ thể nên gây ra nhiều mệt mỏi. 
  • Nếu căng sữa mà không hút sữa thì rất khó chịu và mẹ dễ bị tắc tia sữa. 
  • Tốn tiền mua máy hút sữa và các dụng cụ chuyên dụng khác. 
Xem ngay:  Có nên tắm nắng cho trẻ sơ sinh không? Thời gian thích hợp để tắm nắng cho bé

Trên đây là những so sánh nên hút sữa hay cho bé bú trực tiếp mà chị em có thể tham khảo khi nuôi con. Nhìn chung, cả hai phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng, vì vậy mẹ nên cân nhắc để lựa chọn cho phù hợp. Tuy nhiên, việc hút sữa cho bé bú bình chỉ nên là tạm thời khi mẹ bận việc chứ không nên thay thế hoàn toàn bú mẹ trực tiếp.

Bởi việc bú mẹ sẽ giúp kết nối mẹ và con tốt hơn cũng như mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe mẹ và bé. Ngoài ra, nếu cho bé bú bình, bạn cần lưu ý khâu tiệt trùng hũ và bình sữa, bảo quản sữa đúng cách để tránh nhiễm khuẩn và làm mất các chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ.